Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Văn phòng Chiến lược và Chính sách thương mại (TPSO) của Thái Lan đang cảnh báo người nông dân, đặc biệt là người trồng sắn cảnh giác với việc Trung Quốc tăng cường phát triển ngô biến đổi gene (GM) vì loại ngô này có thể được thay thế sắn trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và ethanol.
Ông Poonpong Naiyanapakorn, Tổng giám đốc TPSO, cho biết Trung Quốc đã thành công trong nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tạo ra các giống ngô biến đổi gene có khả năng kháng các loại sâu bệnh chính vào năm 1997.
Ông Poonpong lưu ý thêm rằng nước này đang tiếp tục tiến hành thử nghiệm thực địa để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của cây trồng biến đổi gene.
Trung Quốc đã nhập khẩu ngô biến đổi gene từ tháng 12/2020 do sản lượng ngô không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Hoạt động R&D về ngô biến đổi gene của Trung Quốc cũng nhằm thúc đẩy an ninh lương thực và khả năng tự cung tự cấp trong nông nghiệp, giảm sử dụng thuốc trừ sâu và giúp nông dân giảm chi phí trồng trọt, phù hợp với chương trình nghị sự phát triển nông nghiệp trong Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (2021-2025).
Tháng 1/2024, Trung Quốc đã công bố 37 giống ngô biến đổi gene từ 24 công ty và cơ quan nghiên cứu có thể được trồng ở 8 tỉnh của nước này gồm Nội Mông, Cam Túc, Hà Bắc, Cát Lâm, Liêu Ninh, Quảng Tây, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Năm nay, diện tích trồng ngô biến đổi gene của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 667.000-1.000.000 hecta, từ mức 267.000 hecta vào năm 2023.
Tháng 2/2024, Ủy ban Trung ương và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố Văn bản số 1, trong đó đưa ra các hướng dẫn chính sách về nông nghiệp và phát triển nông thôn trong năm nay.
Tài liệu thường niên này tập trung vào việc cải thiện năng suất cây trồng, đặc biệt là ngô và đậu nành, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời thúc giục đẩy nhanh hiện đại hóa nông nghiệp để cải thiện sinh kế của nông dân.
Theo đó, diện tích trồng ngô biến đổi gene ở Trung Quốc hiện chiếm chưa đến 1% tổng diện tích đất trồng ngô của nước này nhưng dự kiến sẽ tăng trung bình 10–15%/năm trong giai đoạn 2025-2027.
Ông Poonpong lưu ý rằng mặc dù ngô không phải là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Thái Lan, nhưng việc Trung Quốc sử dụng ngô biến đổi gene để tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu sắn của Thái Lan vì ngô có thể là đối thủ cạnh tranh với sắn về mặt thức ăn chăn nuôi và sản xuất ethanol.
Ông Poonpong cũng cho rằng Thái Lan nên giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu như Trung Quốc.
Năm 2023, Trung Quốc là nước nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới, đạt 27,1 triệu tấn, tăng 27% so với một năm 2022.
Hai nhà xuất khẩu ngô biến đổi gene hàng đầu hiện nay là Brazil và Mỹ.
Năm ngoái, thị trường ngô biến đổi gene toàn cầu trị giá 264 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt quy mô 384 tỷ USD vào cuối năm 2030 nhờ công nghệ tiên tiến giúp tăng năng suất.
Theo các nhà phân tích, nguồn cung ngô biến đổi gene tăng từ các nhà sản xuất mới như Trung Quốc có thể làm giảm giá ngô toàn cầu trong tương lai./.